Tư vấn dịch vụ

0962845870

Tư vấn vật phẩm

0932419907
Bichimi

Thiền định mỗi ngày

Cơ duyên với Thiền định

Năm 2019, mình là người không biết gì về thiền định cũng như hiểu sâu sắc về lĩnh vực tâm linh. Hồi bé, mình cứ nghe tâm linh là nghĩ ngay đến những câu chuyện ma mà ba mẹ, ông bà, anh chị hàng xóm ngồi kể cho nhau nghe mỗi chiều tối.

Đến khi lớn lên một chút, mình mới biết đến tâm linh liên quan nhiều hơn đến tôn giáo, đạo Phật, đạo Chúa… khi ấy mình đã có dịp tiếp cận với các tôn giáo khác nhau, hiểu sơ sơ tôn giáo đang nói về cái gì. Năm 2011, khi được người bạn đưa cho quyển sách về cuộc đời Phật, quyển sách chỉ gói gọn dưới 100 trang nhưng mô tả khá đầy đủ cuộc đời Phật Thích Ca. Mình mới ngạc nhiên khi biết Phật thì ra cũng là một người bình thường khác, không giống như phim ảnh, đặc biệt là phim Tây Du Ký, bộ phim ảnh hưởng nhiều tới thế hệ 8x, 9x.

Tuy vậy, sau khi đọc xong quyển sách đó, trong mình có gì đó biến chuyển, mình nói ngay với người bạn cho mượn sách là “đọc xong tui muốn đi tu quá!”. Bởi vì, thông qua quyển sách dường như trong mình có phát hiện gì đó đặc biệt, đức Phật là một người bình thường, sau đó ngài thành đạo (ngày đó mình cũng không biết thành đạo là gì nữa) rồi ngài đi thuyết giảng cho mọi người, hay còn gọi là “độ chúng sinh". Thông điệp là ai cũng có thể tu hành để giải thoát.

Đến năm 2017, mình bắt đầu có ý niệm về thiền và biết đến thiền thông qua quyển sách Sức mạnh của sự tĩnh tâm. Nội dung quyển sách cũng rất sâu sắc, các câu chuyện ngụ ngôn sâu lắng giúp người đọc đúc kết được nhiều bài học quý giá. Trong quyển sách có hướng dẫn người đọc cách để thiền, nhiều phương pháp thiền khác nhau. Có điều là, khi thực hành theo và duy trì nó thì không dễ chút nào vì thiếu đi sự hướng dẫn của một người thầy. Ngày đó, mình chỉ đơn giản ngồi và quan sát hơi thở được mấy ngày rồi ngưng, hoặc ngồi tĩnh lặng tưởng tượng viễn cảnh nào đó mà nghĩ đó là cách thiền. Ngày đó, mình còn tưởng Phật đơn giản là kết nối được với vô thức và biết được nhiều thứ, chứ cũng chưa có khái niệm nào về giải thoát, giác ngộ.

Rồi đến giai đoạn 2019, trong khóa học chuyên sâu NLP, mình có cơ duyên gặp một người chị học chung, chị ấy giới thiệu cho mình một vị thầy dạy về tâm linh, nói rằng mình nên đến đó học. Mình quyết định đến.

Và sau khóa học đó, mình đích thị biết chính xác thiền là gì, tâm linh là gì, bản chất cốt lõi của tâm linh, thấu hiểu được mọi loại kinh sách và đặc biệt là cách để bắt đầu tập luyện, quay vào bên trong.

Chắc sẽ có anh chị thắc mắc là một người không biết gì, chỉ sau một khóa học vài ngày có thể thấu hiểu được hết cốt tủy tâm linh?

Thực sự là khi chúng ta tìm được cho mình một vị chân sư, vị ấy có thể khai ngộ và giúp chúng ta thấu hiểu mọi thứ từ tâm linh theo kiểu ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu nhất mà ngay cả đứa trẻ 10 tuổi cũng hiểu được. Giống như Phật Thích Ca, ngài sử dụng ngôn ngữ Magadha, là loại ngôn ngữ thông dụng, đơn giản để đi thuyết pháp, mục đích để ai cũng có thể hiểu và thực hành dễ dàng. Ngày ấy, đệ tử Phật đề xuất lưu lời ngài dạy thành ngôn từ cổ Sankrit nhưng ngài từ chối. Tuy từ Sankrit sử dụng cho các kinh điển ở quá khứ nhưng nó lại không dễ hiểu đối với đại chúng.

Tương tự như ngày nay, những lời Phật dạy được chuyển ngữ, truyền qua nhiều thế hệ, ngôn từ mang vẻ cổ kính và khó hiểu so với đại chúng. Vì vậy, đối với những ai đang bắt đầu hành trình quay vào bên trong, việc tìm đọc một quyển “kinh điển” bằng ngôn từ dễ hiểu là một điều cần thiết.

Hiện tại, đã có nhiều bậc đạo sư trên thế giới xuất hiện, họ là những người tỉnh thức, họ đã sử dụng trải nghiệm của họ và viết ra những quyển sách “kinh” hiện đại, sử dụng những ngôn từ thời nay, ai cũng hiểu dễ dàng. Nổi bật nhất đó là Osho, Krishnamurti, Eckart Tolle… hay tại Việt Nam có Aloha Tuấn, Nguyễn Hồng Huấn, thầy Viên Minh…

Khi có sự hướng dẫn, khai ngộ của vị đạo sư, mọi thứ sẽ sáng tỏ trước mắt bạn rất dễ dàng.

Mình đã học từ Aloha Tuấn, được ông khai ngộ bằng những ngôn từ cực kỳ gần gũi, dễ hiểu nên mình dễ dàng nắm được cốt tủy tâm linh. Ông chỉ dạy người ta trực diện vào cốt tủy nên những ai chưa “hạp” sẽ cảm thấy nó khó hiểu và nhiều thắc mắc. Chính vì vậy, trong quá trình học, mình thực hành thiền định, càng thiền, trí càng sáng và đọc giáo lý càng dễ hiểu.

Tiếp sau đó, mình có dịp gặp anh Nguyễn Hồng Huấn, nghe anh chia sẻ những trải nghiệm về hành trình tâm linh và các chủ đề trong cuộc sống. Để hiểu sâu sắc hơn nữa, mình tìm rồi đọc sách của các vị đạo sư như Osho, Thích Nhất Hạnh, Eckart Tolle.

Điểm chung là các vị ấy đều nói về một chân lý chung, chúng giống nhau, ngôn từ họ sử dụng cũng tương đương nhau. Sau khi thấu hiểu được cái toàn bộ, cái cốt tủy, bạn sẽ thấu triệt được mọi kinh sách trước giờ mình đã đọc.

Đặc biệt trong số các vị này, có 2 người không đi theo cách thiền truyền thống/phổ thông là quán hơi thở, Osho là thiền động, Aloha Tuấn thiền quán ý nghĩ và sau đó vượt lên trên tâm trí.

Aloha Tuấn hiện đã xuất bản 2 bộ sách tâm linh Tất cả chỉ là ý nghĩ, Giác ngộ bí mật tối cao. Đây là 2 bộ sách hỏi&đáp mọi thắc mắc về tâm linh và hướng dẫn cách thực hành thiền định. Bạn có thể tham khảo thêm bộ sách bên dưới.

Review bộ sách Tất cả chỉ là ý nghĩ

Lần đầu tiên mình thực hành, ngay buổi đầu tiên, nó đã chuyển hóa bên trong mình rất nhiều, những ai cùng thực hành với mình ngày hôm đó cũng vậy. Bởi vì phương pháp thiền này đi trực diện vào nơi bản ngã tồn tại, nơi khổ đau tồn tại, nên mọi thứ được hóa giải trong tíc tắc. Phương pháp này nối tiếp theo truyền thống thiền tông (Sẽ được nói ở những email sau).

Và đó là bước ban đầu trên hành trình, lợi ích thì rất rõ ràng, tâm mình bắt đầu bình yên đến lạ, những sự vật hiện tượng trước đây gây ra những cảm xúc không tốt khi đó đối với mình nó không còn là gì cả. Thiền chưa bao giờ dễ dàng đến thế.

Bên cạnh phương pháp thiền định, bạn cũng cần có một tấm bản đồ chỉ đường để đến đích. Tấm bản đồ này chỉ là tấm giấy chỉ đường, khi đến nơi thì ta sẽ không dùng nữa, hiện tại thì ta phải cần. Đó chính là những giáo lý tâm linh hay kinh sách.

Bạn đừng hiểu lầm kinh sách chỉ là kinh Phật hay kinh Thánh… những lời từ bậc giác ngộ nói ra và ghi lại thì đó được gọi là kinh sách. Cho nên, khi bạn có học vị đạo sự nào, mỗi lời vị ấy nói chính là kinh sách, giáo lý tâm linh, bạn hãy ghi lại và làm tấm bản đồ chỉ đường cho bản thân mình.

Bây giờ, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình nào!

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: